Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Công ty chứng khoán: Dự phòng nhiều ắt sẽ lãi lớn?

Thị trường chứng kiến sự tăng giá mạnh trong vài tuần trở lại đây của nhóm cổ phiếu chứng khoán. Điểm đặc biệt, đây là cổ phiếu của những doanh nghiệp bị lỗ lớn do trích lập dự phòng cao trong năm 2011. Chính sự khởi sắc của thị trường khiến nhà đầu tư kỳ vọng lớn từ các khoản hoàn nhập dự phòng này.

SBS có các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn rất lớn với gần 2,634 tỷ đồng, phân bổ vào tài sản khác nhau. Trước sự ảm đạm của thị trường nên SBS trích lập dự phòng đến 333 tỷ đồng cho các khoản đầu tư này. Đây là một trong các nguyên nhân khiến công ty lỗ lớn với 609 tỷ đồng trong năm qua. Theo thuyết minh báo cáo tài chính của SBS, đầu tư tài chính tại thời điểm cuối năm 2011 gồm SPMITC, VFMVF2, Bản Việt… Thống kê từ giữa tháng 2 đến nay, SBS sau khi rớt xuống dưới 3,000 đồng đã nhanh chóng bật lên trở lại với nhiều phiên tăng trần liên tiếp đạt 5,200 đồng/cp.
Với SSI, mặc dù năm 2011 lãi ròng 79 tỷ đồng nhưng công ty vẫn phải dự phòng hơn 303 tỷ đồng cho 869 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Theo thuyết minh của SSI, công ty dự phòng hơn 292 tỷ đồng cho các mã chứng khoán gồm VCS, VFMVF4, SSC, ELC, DBC, NTP, NSP, TMT, SVC, VSH và một số cổ phiếu khác. Công ty cũng dự phòng gần 11 tỷ đồng cho các chứng khoán chưa niêm yết.
Không những vậy, SSI còn dự phòng gần 167 tỷ đồng cho các khoản đầu tư dài hạn vào các mã như DCC (7.5 tỷ đồng), DBC (15.5 tỷ đồng), và HAG (hơn 99 tỷ đồng), cùng hơn 11.3 tỷ đồng cho một số cổ phiếu khác. SSI cũng dự phòng dài hạn 15 tỷ đồng cho chứng khoán chưa niêm yết và xấp xỉ 19 tỷ đồng cho trái phiếu Vinashin.
Tuy nhiên, những chứng khoán niêm yết mà SSI nắm giữ thực sự không tăng giá mạnh thời gian qua, điều này cho thấy triển vọng hoàn nhập dự phòng của SSI trong quý 1 là khá khó khăn. Nhưng với tư cách là một công ty chứng khoán lớn, thị phần môi giới rộng, SSI vẫn được kỳ vọng khá nhiều vào doanh thu môi giới và các hoạt động khác sẽ mang lại lợi nhuận lớn cho công ty.
Trích lập dự phòng của các CTCK tại 31/12/2011 (Đvt: Tỷ đồng) 
Nguồn: VietstockFinance
Đáng chú ý là VNDBVS năm 2011 lỗ 202 tỷ đồng và gần 97 tỷ đồng đều do khoản trích lập dự phòng ngắn hạn đến 235 tỷ đồng và 201 tỷ đồng. Nếu việc hoàn nhập dự phòng được thực hiện với một phần hoặc toàn bộ các khoảng trích lập trên sẽ mang lại cho VNDBVS khoản lợi nhuận rất lớn trong quý 1, bao gồm cả doanh thu môi giới và các hoạt động khác.
Tương tự, với một loạt công ty chứng khoán khác cũng có khoản dự phòng đầu tư tài chính ngắn hạn khá cao như SHS (172 tỷ đồng), VDS (94 tỷ đồng), KLS (69 tỷ đồng), VIG (66 tỷ đồng), HCM (gần 53 tỷ đồng), AVS (44 tỷ đồng)…
Tuy nhiên, nhóm những công ty chứng khoán như HPC, PSI, VDS, SVS, ORS, PHS, TAS… cho dù có hoàn nhập hết các khoản dự phòng năm 2011 cũng không thể giúp họ xóa được mức lỗ lớn trong năm.
Bên cạnh các công ty chứng khoán với những khoản dự phòng đầu tư tài chính khá lớn, thì nhiều doanh nghiệp niêm yết cũng bị “kẹp hàng” nhiều trong năm 2011 do đầu tư tài chính. Với một số doanh nghiệp, nếu loại trừ các khoản trích lập dự phòng đầu tư tài chính ngắn hạn, chưa nói đến dài hạn cũng đủ giúp doanh nghiệp có lãi, thậm chí là lãi lớn.
Một loạt trường hợp có các khoản trích lập dự phòng ngắn hạn và dài hạn lớn như của GMD năm 2011 hơn 230 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận cả năm chưa đến 5 tỷ đồng. Hay như TLH cũng dự phòng hơn 164 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ đạt 28.45 tỷ đồng. Và PVI mặc dù có lợi nhuận gần 350 tỷ đồng, nhưng nếu cộng thêm khoản trích lập trên 230 tỷ đồng, lợi nhuận cả năm của PVI sẽ rất lớn.
Top trích lập dự phòng ngắn hạn của các CTNY tại 31/12/2011 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
Ngoài ra, hàng loạt đại gia khác như REE, CII, VNM, VCG, SCR, KDC… đều có các khoản đầu tư tài chính lẫn dự phòng lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Mặc dù các khoản đầu tư này không nằm hết trên thị trường chứng khoán, mà chỉ chiếm một hoặc vài phần, nhưng sự khởi sắc của thị trường ít nhiều cũng mang lại nguồn thu đáng kể cho các doanh nghiệp. 
Viết Vinh (Vietstock)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét