SGTT.VN – Làm thế nào để phát triển kinh
tế “mang khuôn mặt con người” là câu hỏi thường trực khiến PGS.TS Trần
Đình Thiên, viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam, luôn suy nghĩ, tìm kiếm.
Theo ông, nếu như tự do – quyền năng của kinh tế thị trường – được các
nhà làm chính sách khai thông, sẽ ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống và
con người thị trường.
Ông nghĩ gì về cuộc tranh luận giữa TS Alan Phan và hiệp hội Bất động sản vừa qua về thị trường nhà đất?
Về nội dung, cuộc tranh luận ấy là hay
và cần thiết. Việt Nam rất cần những cuộc tranh luận công khai, thực
chất, thẳng thắn và có chiều sâu về các vấn đề lớn như thế này, không
chỉ trong kinh tế mà cả các lĩnh vực khác.
Cuộc tranh luận giữa TS Alan Phan, thoạt
đầu là với một nhóm người đại diện cho câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội,
thu hút sự chú ý của ngày càng nhiều người – không đơn thuần chỉ vì nội
dung của nó mà bởi cái được gọi là văn hoá tranh luận. Thực chất vấn đề
là ở chỗ nhiều ý kiến đưa ra trong cuộc tranh luận có xu hướng chuyển
sang phê phán cá nhân, lôi chuyện đời tư ra thay cho việc nêu các luận
cứ, cung cấp tri thức để giải quyết vấn đề. Chính cuộc tranh luận như
vậy đặt ra một vấn đề tưởng như không có gì nhưng lại là một “điểm tối”
văn hoá đang bị cố che giấu đi ở ta.
Theo ông, lực cản nào là lớn nhất khiến chúng ta chưa kiểm soát được nhịp độ cải cách thị trường?
Nói duy nhất một lực cản nào là chính
thì hơi khó. Đúng nhất là nên kể một số lực cản. Theo tôi, một cách khái
quát, ta chưa kiểm soát được nhịp độ cải cách thị trường là vì trước
hết, chúng ta chưa giải quyết thật rõ ràng mối quan hệ cơ bản nhất của
chiến lược phát triển – cơ chế bảo đảm sự kết hợp hiệu quả giữa kinh tế
thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa. Công thức phát triển này,
cũng là khái niệm quan trọng nhất của sự phát triển hiện đại của Việt
Nam, đã được nêu ra vài chục năm nay, vẫn chưa có sự giải thích đầy đủ,
thuyết phục.
Nguyên nhân thứ hai là vấn đề tầm nhìn
phát triển – là nhận thức, là tư duy về thời đại cho đúng tầm thời đại.
Nghĩa là phải định vị đúng đất nước mình trong thời đại toàn cầu hoá và
kinh tế tri thức, thời đại công nghệ cao để tìm cơ hội bứt phá, để vượt
lên, sao cho có thể dần tiến kịp các nước đi trước chứ không phải cứ
tiếp tục tụt hậu, thậm chí tụt hậu xa hơn, như hiện nay.
Cho đến nay, nền kinh tế nước ta vẫn
chưa thoát khỏi mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào khai thác và xuất
khẩu tài nguyên thô, vào công nghiệp lắp ráp và gia công; bị lệ thuộc
nặng vào vốn đầu tư dễ. Mô hình tăng trưởng này phải được vượt bỏ nhanh
thì nước ta mới có cơ hội “tiến kịp để tiến cùng thời đại”. Mà thời đại
ngày nay lại chính là thời đại “nhanh thì thắng, còn chậm thì chẳng bao
giờ”.
Gần đây, ta nói nhiều về đổi mới mô hình
tăng trưởng, về tái cơ cấu. Nhưng thực tế chưa làm được bao nhiêu. Một
phần quan trọng là do những khó khăn ngắn hạn ngày càng gay gắt, phải
tập trung trí tuệ và nguồn lực để lo tháo gỡ, chạy chữa. Nhưng một phần
quan trọng là do tầm nhìn hạn chế, lại bị thiên kiến đè nặng, mãi chưa
thoát khỏi cách nhìn phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, vẫn
muốn Nhà nước chi phối, dẫn dắt thị trường chứ chưa phải Nhà nước dựa
vào thị trường và cùng với thị trường điều tiết nền kinh tế. Bị trói
trong cái này thì khó thông thoáng, không thể mạnh dạn mở cửa, tích cực
chuẩn bị các điều kiện cho hội nhập. Mà khi bị hạn chế tầm nhìn thì dễ
mắc bệnh thiển cận, dễ bị lòng tham chi phối.
Trong các đánh giá về kinh tế, ông rất
coi trọng giá trị của niềm tin, sự tự do. Theo ông, vì sao niềm tin của
người dân và của doanh nghiệp bị tổn thương nhiều như vậy khi nhìn vào
tương lai? Làm thế nào để gầy dựng lại?
Cách đây mười mấy năm, khi tạp chí Far
Eastern Economic Review chưa giải tán, trong mục bình chọn câu nói hay
trong tháng, họ chọn câu nói về cách phát triển của Việt Nam, đại thể là
Việt Nam không thích đi thẳng bình thường mà lại thích đi ngoặt: mỗi
năm đến mấy bước ngoặt; mà cứ bước ngoặt riết rồi không biết sẽ đến đâu!
Tôi rất ấn tượng với ví dụ này. Và từ đó, cũng suy nghĩ nhiều thêm về
cách phát triển của ta.
Tất nhiên trong ví dụ trên, thích kiểu
phát triển “bước ngoặt” hay “đi thẳng” là một cách nói. Bước ngoặt thì
vẫn rất cần cho phát triển, nhất là cho những nước đi sau. Nhưng không
thể cứ hô hào bước ngoặt quanh năm, rồi dựa vào đó mà lao theo các phong
trào, theo các “hội chứng”. Cần thiết và chủ yếu là phải phát triển
bình thường, đi thẳng. Vậy thôi. Lòng tin có cơ sở đơn giản như vậy,
không màu mè, đừng lên gân. Nếu không thì sẽ quá tải, quá trớn, lòng tin
sẽ bị suy giảm và suy kiệt.
Chúng ta chưa giải quyết thật rõ ràng mối quan hệ cơ bản nhất của chiến lược phát triển – cơ chế bảo đảm sự kết hợp hiệu quả giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa. Công thức phát triển này, cũng là khái niệm quan trọng nhất của sự phát triển hiện đại của Việt Nam, đã được nêu ra vài chục năm nay, vẫn chưa có sự giải thích đầy đủ, thuyết phục. |
Cụ thể hiện nay, niềm tin thị trường chỉ
có khi các chính sách quản trị và điều hành vĩ mô bảo đảm được tính
nhất quán và sự ổn định. Trong thời gian qua, đây là một trong những
điểm yếu nhất trong hoạt động điều hành kinh tế vĩ mô của nước ta. Việc
điều hành chủ yếu dựa vào các giải pháp hành chính, được sử dụng thường
xuyên nhưng rất khó phối hợp và gây xung đột.
Vì vậy, kể từ khi trở thành thành
viên WTO, mặc dù có nhiều cơ hội lớn để bứt phá phát triển, nền kinh tế
nước ta lại rơi vào trạng thái khó khăn không bình thường: tốc độ tăng
trưởng suy giảm liên tục, lạm phát cao, lên xuống thất thường, rơi vào
bất ổn kéo dài, bộc lộ rõ những điểm yếu nghiêm trọng về cơ cấu, những
bất cập của mô hình tăng trưởng.
Trong điều kiện như vậy, lòng tin suy
giảm mạnh là không tránh khỏi. Môi trường chính sách thay đổi quá nhanh,
lại mang tính hành chính cao độ nên khó đoán định. Đó là chưa kể sự
phân biệt đối xử trong cách điều hành, rồi cơ chế xin – cho tuỳ tiện.
Khi đó, doanh nghiệp sẽ không biết phải ứng xử chính sách thế nào cho
phù hợp. Đó là chưa kể tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khu vực tư
nhân, của các chính sách nhiều khi không rõ, thậm chí rất yếu. Có thể
nêu cách điều hành chính sách lãi suất vài năm qua làm ví dụ.
Một yếu tố khác ảnh hưởng tiêu cực đến
lòng tin của doanh nghiệp là tính công khai, minh bạch của môi trường
thông tin. Ai cũng biết môi trường thông tin thiếu công khai minh bạch
thì không thể hoạch định chiến lược và chính sách đúng. Đây chính là
loại rủi ro phát triển lớn nhất trong thời đại công nghệ thông tin.
Gầy dựng lại lòng tin thị trường, doanh
nghiệp, chắc chắn không thể ngày một ngày hai và bằng cách thức dễ dàng.
Và tuyệt đối không thể theo lối mị dân.
Chúng ta thường nghe câu “khủng hoảng,
khó khăn là cơ hội của cải cách”. Chúng ta tin vào nguyên lý đó. Chúng
ta chờ đợi điều đó xảy ra sớm trong nền kinh tế nước ta. Nhưng cho đến
nay, đã sáu năm sau khi gia nhập WTO, nền kinh tế ngày càng khó khăn, số
doanh nghiệp “ra đi” tiếp tục tăng lên. Nhưng cải cách – dưới hình hài
cụ thể là tái cơ cấu, là đổi mới mô hình tăng trưởng, vẫn tiếp tục là cơ
hội mà chưa thấy chuyển hoá thành hiện thực như trông đợi. Để lấy lại
lòng tin, chỉ có một cách: hành động cải cách thực sự, quyết liệt và bài
bản. Tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng phải diễn ra thực,
không thể chỉ “quyết liệt” hô hào, chỉ dừng lại ở các đề án trên giấy
và các cuộc tranh luận trong các phòng họp.
Điểm cuối cùng tôi muốn nói: muốn được
dân tin, doanh nghiệp tin thì trước hết Nhà nước, Chính phủ phải tin
dân, tin doanh nghiệp. Vế thứ hai này lâu nay ít được quan tâm. Vai trò
của khu vực kinh tế tư nhân không được đánh giá đúng, vị thế của lực
lượng doanh nghiệp trong phát triển chưa được coi trọng đúng mức. Chức
năng của thị trường còn bị bộ máy quản lý điều hành nhà nước lấn át,
chèn ép.
Nhìn vào số lượng doanh nghiệp bị phá sản, ông có chia sẻ gì với doanh nhân khi được mất, thành bại… chỉ trong gang tấc?
Tôi luôn luôn coi doanh nhân là lực
lượng quyết định sự phát triển trong nền kinh tế thị trường. Ở đây, tôi
nhấn mạnh khu vực tư nhân bởi vì đây là lực lượng yếu thế, thường là đối
tượng bị phân biệt đối xử, trong khi nó cần phải được đối xử một cách
công bằng và bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, trước hết là đối
với khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Trong quan niệm của tôi, việc hình thành
lực lượng doanh nghiệp mà chúng ta có như ngày hôm nay, dù còn nhiều
yếu kém, vẫn phải được coi là thành quả quan trọng nhất của công cuộc
đổi mới. Đổi mới mang lại rất nhiều kết quả to lớn, thậm chí, có những
kết quả mang tính đổi đời như tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất nhập
khẩu, hay ấn tượng còn hơn thế – thành tựu xoá đói giảm nghèo. Nhưng lực
lượng doanh nghiệp – chủ thể quyết định sự phát triển của nền kinh tế
thị trường, lực lượng định vị chân dung thời đại của Việt Nam, quyết
định vị thế của Việt Nam trong tấm bản đồ kinh tế thế giới hiện đại,
phải được coi là thành quả quan trọng nhất của quá trình đổi mới.
Với quan niệm như vậy, ai chẳng đau lòng
khi thấy hàng trăm ngàn doanh nghiệp “ra đi” trong vài năm qua. Nhưng
không có gì phải bi luỵ. Nó trái với bản lĩnh, khí phách của dân tộc
Việt, con người Việt. Tất nhiên, các doanh nhân Việt Nam đang trải qua
một cuộc thử lửa khốc liệt. Cạnh tranh quốc tế sống còn, bươn chải kinh
doanh trong điều kiện lạm phát bất thường và lãi suất cao vượt trội các
đối thủ cạnh tranh quốc tế của mình – tôi chia sẻ với doanh nghiệp Việt
Nam tất cả những khó khăn này. Nhưng từ đây, để thực sự công bằng, cần
phải nhìn nhận vấn đề từ cả hai góc độ. Một là mổ xẻ những nguyên nhân
thuộc về mô hình phát triển, cơ chế và chính sách vận hành, các giải
pháp điều tiết – tức là những nguyên nhân gắn với hệ thống quản trị,
điều hành kinh tế quốc gia với chủ thể là Nhà nước, làm cho các doanh
nghiệp của ta chậm lớn, khó phát triển, thậm chí, không muốn phát triển
theo đúng nghĩa. Hai là phải làm rõ xem doanh nghiệp Việt Nam bươn chải
lên như thế nào – có bản lĩnh, tự xây đắp năng lực để tự vươn lên, để
thắng trong cạnh tranh hay vẫn mang tâm lý dựa dẫm Nhà nước, chỉ ham
“đánh quả”, đầu cơ chụp giật. Câu hỏi phải được đặt ra một cách nghiêm
túc là tại sao doanh nghiệp Việt Nam chậm lớn đến vậy? Nguyên nhân tự
thân từ doanh nghiệp là ở đâu? Tôi nghĩ rằng câu hỏi chưa được đông đảo
các doanh nghiệp tìm cách trả lời một cách nghiêm túc và nghiêm khắc.
Những nguyên nhân yếu kém tự thân của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp
Việt Nam đang bộc lộ ngày càng rõ – thói dựa dẫm vào Nhà nước, tính ham
đầu cơ chụp giật, sự ham thích kinh doanh kiểu “đánh quả”, ngại cạnh
tranh, thiếu tầm nhìn chiến lược, v.v. đang bắt họ phải trả giá. Mọi sự
đang vận hành đúng theo nguyên lý: lợi nhuận dễ thì rủi ro càng lớn.
Phải thoát khỏi cái bóng, cái ô che ban phát, kiểu như kích cầu hay xin “ưu đãi chính sách” mỗi lúc gặp khó khăn, lao vào cuộc cạnh tranh bằng cái đầu và đôi chân của chính mình chứ không phải bằng sức lực xin cho từ Nhà nước. |
Đó chính là vấn đề lớn nhất của doanh
nghiệp Việt Nam hiện nay. Không thể đơn thuần chỉ ngồi đổ lỗi cho mô
hình, cho cơ chế mỗi lúc gặp khó khăn, cho rằng mình vô can, chỉ là nạn
nhân của hoàn cảnh. Phải thoát khỏi cái bóng, cái ô che ban phát, kiểu
như kích cầu hay xin “ưu đãi chính sách” mỗi lúc gặp khó khăn, lao vào
cuộc cạnh tranh bằng cái đầu và đôi chân của chính mình chứ không phải
bằng sức lực xin cho từ Nhà nước.
Chỉ khi đó, chúng ta mới có lực
lượng doanh nhân thực sự đúng nghĩa là lực lượng quyết định vận mệnh
phát triển của nền kinh tế quốc gia.
Vậy theo ông, khi nào kinh tế Việt Nam mới thực sự đảo chiều?
Tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ
thực sự đảo chiều khi quá trình tái cơ cấu thực sự diễn ra một cách bài
bản, hệ thống, nhằm mục tiêu thay đổi cả mô hình tăng trưởng chứ không
phải chỉ là những thay đổi cục bộ, rời rạc và mang tính đối phó tình thế
như hiện nay.
Muốn tái cơ cấu thì phải chấp nhận trả
giá, phải chịu đau, phải tốn tiền. Có vẻ như chúng ta hoặc chưa sẵn sàng
cho điều này, hoặc cho rằng không cần phải như vậy vẫn đạt kết quả tái
cơ cấu mong đợi. Có lẽ phải gạt bỏ những ảo tưởng kiểu này mới tái cơ
cấu thật sự được.
Nền kinh tế phải tốn tiền, thậm chí tốn
nhiều tiền mới tái cơ cấu được. Nhưng việc tạo ra thể chế mới từ đó sẽ
cứu được doanh nghiệp.
Logic là như vậy. Kinh tế nghĩa là phải
có chi phí mới có thu nhập, không cái gì có thể ăn không được. Muốn có
thể chế tốt thì cũng phải trả tiền. Chỉ có điều là nếu biết chọn đúng
mục tiêu thể chế và cách làm thì sẽ đỡ tốn tiền đáng kể.
Kinh tế thị trường và tư duy điều hành
của nhà nước còn đang lẫn lộn vào nhau, các giá trị chưa được thiết lập
đã dẫn đến những bất cập, đổ vỡ trong nền tảng đạo đức, lối sống, quyền
sở hữu tài sản của người dân…?
Đúng là như vậy. Cho đến nay, vẫn còn
tình trạng “thừa nhà nước ở chỗ thị trường không cần, nhưng lại thiếu
nhà nước ở chỗ cần”. Đối với nền kinh tế đang chuyển đổi, lại phải tốc
hành đổi mới thể chế để tiến kịp loài người đi trước hàng trăm năm, điều
này cũng là tất nhiên thôi. Chỉ có một điều đáng tiếc: Việt Nam là nước
đi sau, đáng ra có thể rút ngắn quá trình định hình cấu trúc thể chế
nhà nước – thị trường với sự phân định chức năng rõ ràng sớm hơn, nhưng
thực tế lại không như vậy. Thậm chí, định hướng xã hội chủ nghĩa còn bị
vận dụng không đúng, bị lạm dụng để hãm chậm quá trình phát triển thị
trường bình thường và lành mạnh.
Trong bối cảnh cơ chế vận hành chậm được định hình như vậy đương nhiên sẽ có những trục trặc, những đổ bể không đáng có.
Làm thế nào để ông giữ được cái nhìn tích cực trước bức tranh sáng tối lẫn lộn của xã hội hôm nay?
Tôi nhớ mãi một câu nói của Karl Marx,
đại thể là loài người luôn chuẩn bị cho sự ra đời của một thời đại mới
bằng bi kịch, nhưng chia tay với quá khứ của mình bằng sự vui vẻ, bằng
hài kịch.
Đó là cách nhìn lạc quan, tích cực về tương lai mà mình muốn tới. Lúc nào cũng cần như vậy.
Hạnh phúc lớn nhất với ông là gì?
Đơn giản thôi – hiểu thấu đáo hơn đất nước mình, dân tộc mình, góp phần để đất nước bay lên, không bị tụt hậu so với loài người.
THỰC HIỆN: KIM YẾN
CHÂN DUNG HỘI HOẠ: HOÀNG TƯỜNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét