Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

9 Sự kiện chứng khoán nổi bật nhất năm 2011

2011 là 1 năm không thể quên với đầy sóng gió trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hãy cùng CafeF nhìn lại.
1. Thị trường suy giảm trầm trọng & cổ phiếu lớn “bóp méo” Vn-Index
Thị trường suy giảm liên tục chính là một trong những sự kiện đáng chú ý nhất trong năm vừa qua.
HNX-Index đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử là 58,9 điểm vào ngày 15/12. Vn-Index hiện cũng ở mức thấp nhất trong một năm qua.
Biến động Vn-Index trong 1 năm qua
Thị trường đi xuống dẫn đến hệ quả là thanh khoản sụt giảm, thị giá nhiều cổ phiếu xuống rất thấp. Không ít cổ phiếu đã mất 80-90% giá trị so với đầu năm. Cá biệt cổ phiếu VKP của Nhựa Tân hóa có lúc đã xuống còn 600 đồng/cp.
Những nhóm cổ phiếu bị ảnh hưởng nặng trong năm vừa qua là nhóm chứng khoán, bất động sản…
Một điểm đáng chú ý nữa là Vn-Index đã có nhiều giai đoạn không phản ánh đúng thực tế bởi sự tăng/giảm bất thường của nhóm cổ phiếu lớn gồm “tứ trụ” gồm VNM-BVH-VIC-MSN cùng với VPL.
2. Thông tư 74: Cho phép margin, mở nhiều tài khoản, giao dịch cổ phiếu trong ngày
Điểm nhấn chính sách của năm 2011 là việc cho phép nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản, giao dịch mua/bán cổ phiếu trong ngày và triển khai giao dịch ký quỹ. Thực tế các nội dung này trước đó đã xuất hiện trên thị trường nhưng đều là các giao dịch “chui”.
Hiện có gần 40 CTCK được cấp phép giao dịch ký quỹ.
Có khoảng 160 cổ phiếu niêm yết không được giao dịch ký quỹ, chủ yếu là có kết quả kinh doanh lỗ; trong đó có nhiều cổ phiếu thanh khoản cao như KLS, BVS, VND, SSI, SAM…
Tuy nhiên một nội dung được mong chờ là T+2 vẫn chưa được đề cập.
3. Thông tư 226 và đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán
Thông tư 226 về việc giám sát an toàn tài chính cho CTCK, công ty quản lý quỹ đã được Bộ Tài chính ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/4/2011. Theo đó, những trường hợp không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính (tính theo tỷ lệ vốn khả dụng) sẽ bị cơ quan quản lý đưa vào tình trạng kiểm soát hoặc kiểm soát đặc biệt.
Hiện có khoảng 40 CTCK chưa đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính nhưng UBCK chưa công bố danh sách này. Với các công ty vi phạm chỉ tiêu này, có thể sẽ bị rút giấy phép hoạt động môi giới, thậm chí rút giấy phép hoạt động công ty.
Trong tháng 12, UBCK đã trình Chính phủ đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán gồm các nội dung: Tái cấu trúc CTCK (phân loại CTCK dựa theo thông tư 226); nâng cao tiêu chuẩn niêm yết; đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư....
3. Bùng nổ hoạt động mua bán sáp nhập (M&A)
Hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp diễn ra sôi động trong suốt cả năm dưới nhiều hình thức khác nhau.
Những thương vụ “thay tên/đổi chủ” đáng chú được thực hiện trong năm qua như Tập đoàn Xuân Thành mua lại Chứng khoán Vincom; Masan Consumer mua cổ phần chi phối Vinacafe Biên Hòa; Hùng Vương mua cổ phần chi phối Faquimex Bến Tre…
Nằm trong xu hướng tái cấu của các doanh nghiệp thì việc sáp nhập các công ty cùng tập đoàn cũng được đẩy mạnh: Điển hình là Vinpearl Hội An, Vinpearl Đà Nẵng và Vincharm sáp nhập vào Vinpearl; tiếp đến Vinpearl lại được sáp nhập vào Vincom.
Hoạt động M&A cũng không thể thiếu vắng nhà đầu tư ngoại khi họ đã mua cổ phần chi phối của nhiều doanh nghiệp trong nước: điển hình là Unicharm mua 95% cổ phần Diana, Fortis Healthcare mua 65% cổ phần của Y khoa Hoàn Mỹ.
Ngoài ra còn có rất nhiều thương vụ nhà đầu tư ngoại mua cổ phần với tỷ lệ từ 20-40%.
4. Hoạt động khối ngoại: Dòng tiền chảy mạnh vào kênh phát hành riêng lẻ
Năm 2011, nhà đầu tư ngoại vẫn tiếp tục mua ròng trên thị trường niêm yết, nhưng giá trị chỉ bằng 1/10 so với năm 2010.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là dòng vốn ngoại vẫn chạy mạnh vào doanh nghiệp qua phương thức phát hành riêng lẻ.
Rất nhiều thương vụ phát hành riêng lẻ lớn được thực hiện như KKR mua 10% cổ phần Masan Consumer với giá 159 triệu USD, IFC mua 10% cổ phần Vietinbank với giá 182 triệu USD, Talanx mua 25% cổ phần PVI Holdings với giá 93 triệu USD…
 
Giá trị mua ròng của khối ngoại tại HoSE theo các tháng từ đầu năm 2010
5. Mạnh tay xử lý vi phạm trên TTCK
Thực thi nghị định 85 và Thông tư 37 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, UBCK Nhà nước và 2 Sở GDCK ngày càng khắt khe hơn tình trạng vi phạm trong giao dịch, công bố thông tin. Ngoài hình thức xử phạt hành chính, việc giao dịch nội bộ và thao túng giá chứng khoán còn bị tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật, bị truy cứu hình sự (nếu có).
Tình trạng vi phạm công bố thông tin đã được siết chặt, những doanh nghiệp liên tục chậm trễ việc công bố thông tin thậm chí còn bị bắt buộc hủy niêm yết như với trường hợp của Dược Viễn Đông (DVD) và Descon (DCC).
Việc xử phạt vi phạm CBTT cũng bị quy trách nhiệm tới từng cá nhân cụ thể.
Mức xử phạt với hành vi thao túng giá chứng khoán được nâng lên nhưng chủ yếu là xử phạt các vụ việc diễn ra từ năm 2010 (các vụ việc liên quan đến cổ phiếu VIC, AAA…).
6. Dược Viễn Đông và vụ khởi tố hình sự đầu tiên trên TTCK
Vụ việc một số lãnh đạo của Dược Viễn Đông bị bắt giam đã gây chấn động thị trường cuối năm 2010. Doanh nghiệp này tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm trong năm vừa.
DVD đã chia tay sàn chứng khoán vào ngày 1/9 tại mức giá 3.500 đồng, chỉ bằng một phần lẻ so với thời kỳ đỉnh cao. Ngân hàng AZN đã yêu cầu mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp này và đến cuối tháng 9 thì DVD đã chấm dứt hoạt động.
Giữa tháng 9, vụ án Lê Văn Dũng (Nguyên Chủ tịch HĐQT-TGĐ DVD) cùng đồng bọn thao túng giá chứng khoán” đã kết thúc giai đoạn điều tra, chuyển hồ sơ đến Tòa án để truy tố trước pháp luật.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, Lê Văn Dũng cùng một số người khác đã có hành vi thao túng giá cổ phiếu DHT-Dược Hà Tây; khai khống, tạo doanh thu ảo cho DVD. Ngoài ra, UBCK đã xác định dấu hiệu Lê Văn Dũng cùng một số người khác có hành vi thao túng giá cổ phiếu DVD.
7. IPO một loạt doanh nghiệp lớn
Mặc dù thị trường không thuận lợi nhưng một loạt tổng công ty nhà nước đã thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng như Tổng Công ty Thép (VNSteel), Tổng Công Cty Xăng dầu (Petrolimex), Tổng Công ty Miền Trung (Cosevco) và 2 ngân hàng BIDV và MHB.
Đấu giá Petrolimex và Cosevco đã bán được hết lượng cổ phần đem đấu giá trong khi VNSteel chỉ bán được 60% và MHB bán được 28%.
Nhìn chung những doanh nghiệp được đánh giá là có nhiều tiềm năng vẫn được nhà đầu tư đặt mua hết.
8. Tình cảnh “khốn khó” của các Công ty chứng khoán
Do ảnh hưởng của thị trường, các công ty chứng khoán đã trải qua một năm đầy khó khăn.
Đầu năm, Chứng khoán Kim Long (KLS) đã từng toan tính bỏ lĩnh vực chứng khoán, rồi hàng loạt các sự kiện liên quan đến công ty chứng khoán như SME bị đình chỉ lưu ký vì thiếu hụt thanh khoản; Chủ tịch Chứng khoán Hà Thành “biến mất” cùng khoản âm tiền hơn 100 tỷ đồng, nhà đầu tư kiện chứng khoán FLC, vụ việc PVFI-Chứng khoán Phố Wall…
Với tình hình như hiện nay thì phần lớn các CTCK sẽ khó tránh được tình cảnh thua lỗ, đặc biệt là nhóm các CTCK nhỏ. Trong 9 tháng đầu năm nay, có 18/27 CTCK niêm yết lỗ với mức lỗ gần 1.400 tỷ đồng.
Nhiều CTCK đã được thay tên, đổi chủ trong năm qua như Chứng khoán Vincom thành Chứng khoán Xuân Thành; Chứng khoán Standard thành Chứng khoán Maritime Bank; Chứng khoán E-Việt thành Chứng khoán Navibank và Chứng khoán Artex thành Chứng khoán FLC.
9. Ban hành thông tư về quỹ mở, tạo cơ chế thành lập nhiều loại hình quỹ đầu tư
Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Thông tư 183 về quỹ mở và đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, bao gồm các quỹ đóng, quỹ thành viên, quỹ ETF, quỹ đầu tư bất động sản và các loại công ty đầu tư chứng khoán.
Theo ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch UBCK, Thông tư về quỹ mở sẽ tạo nền tảng pháp lý để từ đó hình thành nên nhiều sản phẩm đầu tư mới, làm gia tăng sự tham gia của nhà đầu tư có tổ chức, dòng vốn đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn hơn. 
Việc ban hành thông tư này là một phần trong đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán.
 
 
Ban biên tập
theo Cafef.vn

10 cổ phiếu Mỹ tệ nhất năm 2011

2011 là một năm nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp lớn của Mỹ, nhưng không phải công ty nào cũng có giá cổ phiếu giảm “kinh hoàng” như 10 công ty trong một danh sách mà tạp chí Fortune vừa công bố.
Đây là các công ty chứng kiến giá cổ phiếu “bốc hơi” mạnh nhất trong số 500 công ty đại chúng lớn nhất nước Mỹ (Fortune 500). Trong số những cổ phiếu “bết bát” này, có các công ty trong nhiều lĩnh vực, từ hàng không, tài chính, tới sản xuất máy ảnh.
Theo Fortune, năm nay có tới một nửa số công ty trong Fortune 500 có giá cổ phiếu giảm, trong đó 34% chịu mức giảm giá cổ phiếu 2 con số.
Dưới đây là 10 công ty trong Fortune 500 có giá cổ phiếu sụt mạnh nhất năm nay, theo thứ tự giảm tăng dần của giá cổ phiếu, tính đến ngày 9/12:
10. Community Health Systems (CHS)
Mức giảm giá cổ phiếu tính từ đầu năm: -53%
Giá trị vốn hóa thị trường: 1.6 tỷ USD
Thứ tự công ty trong danh sách Fortune 500: 190
Công ty dịch vụ y tế CHS có một năm 2011 tồi tệ sau khi kế hoạch thâu tóm đối thủ Tenet Healthcare đổ bể vì cự tuyệt hết lần này tới lần khác. Doanh thu của CHS trong 3 quý tính từ đầu năm tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước lên 10,2 tỷ USD và hãng có kế hoạch tiếp tục các vụ mua lại các bệnh viện ở nhiều nơi.
Mặc dù vậy, giới đầu tư vẫn bán ra cổ phiếu CHS vì lo ngại các công ty dịch vụ y tế tới đây sẽ phải gánh thêm nhiều chi phí trong các chương trình chăm sóc sức khỏe Medicare và Medicaid của Chính phủ.
9. NII Holdings
Mức giảm giá cổ phiếu tính từ đầu năm: -55%
Giá trị vốn hóa thị trường: 3,5 tỷ USD
Thứ tự công ty trong danh sách Fortune 500: 406
NII là công ty chuyên về dịch vụ bộ đàm trên điện thoại di động (push-to-talk) tại thị trường Mỹ Latin với thương hiệu Nextel. Trong 2 quý đầu năm, tình hình kinh doanh của NII rất ổn, khiến hãng nâng dự báo doanh thu cả năm lên 7,1 tỷ USD từ mức 6,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, chính việc điều chỉnh dự báo này là một sai lầm của NII, khi mà kết quả kinh doanh quý 3 của hãng không đạt dự báo vì doanh thu giảm và chi phí tăng do các yếu tố thuế và tỷ giá. Giới đầu tư thất vọng nặng nề và kết quả là cổ phiếu của NII sụt nhanh chóng.
8. Office Depot
Mức giảm giá cổ phiếu tính từ đầu năm: -56%
Giá trị vốn hóa thị trường: 670 triệu USD
Thứ tự công ty trong danh sách Fortune 500: 211
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán nhiều sóng gió và những lo ngại về khả năng suy thoái kép, không có gì là ngạc nhiên khi các hãng bán lẻ văn phòng phẩm như Office Depot không có được một năm làm ăn suôn sẻ. Trong quý 3 vừa qua, doanh thu của hãng này giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 2,8 tỷ USD.
Năm nay, Office Depot còn “dính” một loạt đơn kiện từ phía khách hàng và nhà đầu tư. Cùng với mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường, tương lai của Office Depot đang trở nên khó đoán biết hơn.
7. Bank of America (BofA)
Mức giảm giá cổ phiếu tính từ đầu năm: -57%
Giá trị vốn hóa thị trường: 58 tỷ USD
Thứ tự công ty trong danh sách Fortune 500: 9
Năm nay, BofA kém sức hút đối với cả công chúng và giới đầu tư. Trong số 4 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, BofA về cuối cùng về mức độ hài lòng của khách hàng theo báo cáo Chỉ số hài lòng khách hàng Mỹ, sau Wells Fargo, Citigroup và JP Morgan Chase. Giá cổ phiếu BofA cũng liên tục đi xuống, chạm đáy của 2 năm vào tháng 11 vừa rồi.
Cuối tháng 9, khách hàng của BofA nổi giận sau khi ngân hàng này công bố kế hoạch áp mức phí dịch vụ 5 USD/tháng đối với thẻ nợ. Sau đó, BofA phải hủy kế hoạch này. Ngoài ra, BofA còn lên kế hoạch cắt giảm 30.000 việc làm và giảm chi phí hàng năm 5 tỷ USD cho tới năm 2014. Barclays Capital cảnh báo, BofA khó mà tăng được giá trị tài sản ròng trong 5 năm tới.
6. OfficeMax
Mức giảm giá cổ phiếu tính từ đầu năm: -72%
Giá trị vốn hóa thị trường: 432 triệu USD
Thứ tự công ty trong danh sách Fortune 500: 330
Từ năm 2006-2010, doanh thu của hãng bán lẻ văn phòng phẩm OfficeMax giảm hơn 1 tỷ USD. Đến năm nay, công ty này tiếp tục khiến giới phân tích và đầu tư thất vọng. OfficeMax đã tìm cách xoay chuyển tình thế, nhưng hãng gần như bất lực khi kinh doanh trong một lĩnh vực đầy cạnh tranh và môi trường kinh tế đi xuống.
5. Meritor
Mức giảm giá cổ phiếu tính từ đầu năm: -74%
Giá trị vốn hóa thị trường: 503 triệu USD
Thứ tự công ty trong danh sách Fortune 500: 463
Năm ngoái, cổ phiếu Meritor có mức tăng điểm vào hàng “đỉnh” trong danh sách Fortune 500. Nhưng năm nay, các nhà đầu tư chuyển sang có cái nhìn bi quan về nhà sản xuất linh kiện xe tải thương mại này.Với mức giảm 74% từ đầu năm nay, mọi thành quả tăng điểm năm ngoái của cổ phiếu Meritor đã bị xóa sạch.
Điều khiến các nhà đầu tư lo ngại là nhu cầu xe tải đi xuống ở các thị trường lớn của Meritor như châu Âu, Brazil và Trung Quốc. Giới đầu tư còn không hài lòng với tỷ suất lợi nhuận kém và dòng tiền yếu của công ty.
4. Great Atlantic & Pacific Tea Co.
Mức giảm giá cổ phiếu tính từ đầu năm: -76%
Giá trị vốn hóa thị trường: 2,7 triệu USD
Thứ tự công ty trong danh sách Fortune 500: 278
Chuỗi bán lẻ tạp hóa đã 152 năm tuổi Great Atlantic & Pacific Tea đang chuẩn bị hoàn tất quy trình phá sản và sẽ trở thành một công ty tư nhân vào đầu năm sau nhờ số vốn 490 triệu USD từ một nhóm nhà đầu tư. Công ty này “chìm xuồng” vì không đủ sức cạnh tranh với những đối thủ lớn như Wal-mart. Giảm giá 77% từ đầu năm, cổ phiếu của Great Atlantic & Pacific Tea hiện giao dịch ở mức khoảng 5 xu/cổ phiếu.
3. Eastman Kodak
Mức giảm giá cổ phiếu tính từ đầu năm: -85%
Giá trị vốn hóa thị trường: 229 triệu USD
Thứ tự công ty trong danh sách Fortune 500: 327
Là “ông tổ” của công nghệ nhiếp ảnh hiện đại nhưng Eastman Kodak không cạnh tranh nổi trong kỷ nguyên kỹ thuật số - thời đại mà máy ảnh số và điện thoại di động nhan nhản khắp nơi. Giảm 85% từ đầu năm, giá cổ phiếu Kodak hiện chưa đầy 1 USD/cổ phiếu. Tới giờ, Kodak vẫn phủ nhận tin đồn hãng sắp phá sản, nhưng thừa nhận đã thuê một công ty luật uy tín để “cân nhắc mọi khả năng”.
Kodak đang sở hữu 1.100 bằng sáng chế về công nghệ ảnh, có tổng trị giá khoảng 2 tỷ USD, nhưng theo giới phân tích, nếu không có chiến lược hợp lý, việc Kodak phá sản sẽ chỉ là vấn đề thời gian.
2. AMR
Mức giảm giá cổ phiếu tính từ đầu năm: -92%
Giá trị vốn hóa thị trường: 220 triệu USD
Thứ tự công ty trong danh sách Fortune 500: 118
Tháng 11 vừa rồi, AMR - công ty mẹ của hãng hàng không American Airlines - nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Động thái này diễn ra sau khi AMR thất thế trước các đối thủ United Continental và Delta Airlines, hai nhà bay trước đó đã thực hiện tái cơ cấu bằng con đường phá sản. CEO mới của AMR, ông Thomas Horton, cho biết, công ty này cố gắng tránh phá sản, nhưng áp lực chi phí là quá lớn.
Ngoài việc mất lợi thế cạnh tranh, American Airlines - hãng hàng không đến năm 2006 còn là nhà bay lớn nhất ở Mỹ - còn hứng chịu sức ép từ giá nhiên liệu tăng, số lượng khách hàng là doanh nhân suy giảm, và các điều kiện khắt khe từ giới công đoàn.
1. YRC Worldwide
Mức giảm giá cổ phiếu tính từ đầu năm: -99%
Giá trị vốn hóa thị trường: 68 triệu USD
Thứ tự công ty trong danh sách Fortune 500: 488
Năm nay là năm thứ hai liên tiếp hãng dịch vụ vận tải và hậu cần YRC Worldwide bị liệt vào danh sách những cổ phiếu tệ nhất. Hồi tháng 5, giá cổ phiếu YRC giảm dưới 1 USD/cổ phiếu, và sau đó, có thời điểm chỉ còn 3 xu/cổ phiếu. Tình thế này dẫn tới những cảnh báo cổ phiếu YRC có thể bị loại khỏi chỉ số Nasdaq.
Để ngăn chặn nguy cơ bị loại khỏi Nasdaq, Hội đồng quản trị của YRC mới đây sử dụng phương pháp gộp cổ phiếu (reverse stock split), giúp giá cổ phiếu tăng lên 13 USD/cổ phiếu, nhưng đây là cách làm gây bất lợi cho các cổ đông. Nguồn gốc những khó khăn của YRC là việc hãng này vay hàng tỷ USD vào năm 2003 để thực hiện hai vụ thâu tóm đắt đỏ, sau đó suýt phá sản vào năm 2009, rồi liên tục thua lỗ 2 năm sau đó.
Theo Kiều Oanh
VnEconomy

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Thomson Reuters StarMine: Chứng khoán VN có thể tăng trở lại


(Vietstock) – Số liệu của Thomson Reuters StarMine cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam, Singapore và Ấn Độ đang giao dịch ở vùng quá bán (oversold) và có thể tăng trở lại.

Ấn Độ là nước dẫn đầu nhóm 8 quốc gia châu Á có tỷ lệ cổ phiếu giao dịch trên đường SMA 200 ngày thấp nhất, tiếp theo là Singapore, Việt Nam và Australia. Nhìn chung, khi số cổ phiếu giao dịch trên đường SMA 200 ngày chiếm chưa tới 20% tổng số cổ phiếu được giao dịch thì nhà đầu tư hy vọng thị trường sẽ đảo chiều tăng điểm.
Và ngược lại, khi con số này vượt 90%, nhà đầu tư dự báo thị trường sẽ sụt giảm.
Số cổ phiếu giao dịch trên đường SMA 200 ngày
* Cột màu xanh: Số cổ phiếu được StarMine theo dõi
* Cột màu đỏ: Số cổ phiếu giao dịch trên đường SMA 200 ngày
Tỷ lệ cổ phiếu giao dịch trên đường SMA 200 ngày
Phạm Thị Phước (Theo Reuters)
 

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Vốn ngoại ra đi: Năm 2012, các quỹ ngoại có khả năng thoái vốn khoảng 25.000 tỷ đồng


Một số quỹ đã bắt đầu bán ra danh mục từ đầu năm nay. Ba tuần tại Mỹ, TGĐ một CTCK cho biết ông không nhận được một sự hứa hẹn nào đầu tư vào Việt Nam năm tới.   

“Nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng đã tăng từ 2,5% cuối năm 2010 lên 3,5% vào tháng 9-2011. Nợ xấu sẽ tiếp tục tăng và sẽ đạt đỉnh vào giữa năm 2012. Chúng tôi kỳ vọng nợ xấu không làm tan vỡ hệ thống ngân hàng, mà ngược lại sẽ giúp đẩy nhanh quá trình củng cố và cải cách các tổ chức tín dụng. Kỳ vọng này dựa trên cơ sở phần lớn nợ của ngân hàng Việt Nam đều có tài sản thế chấp và tài sản ngầm tương đương hơn 70% GDP” - đó là một trong những nhận định của Dragon Capital trong bản tin Vietnam October Update dành cho nhà đầu tư nước ngoài.

Dragon Capital đã không thể ngờ rằng ngay sau bản tin tháng 10-2011, từ đầu tháng 11 thị trường bất động sản bắt đầu “rùng mình” với hàng loạt dự án căn hộ, biệt thự giảm giá mạnh trong một nỗ lực tìm đầu ra nhằm thu hồi vốn trả nợ ngân hàng của các chủ dự án đầu tư.
Ngay lập tức, giá cổ phiếu bất động sản niêm yết lao dốc không phanh. Các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư của Vietnam Property Fund; Vietnam Enterprise Investments Limited (Veil); Vietnam Growth Fund do Dragon Capital quản lý như HAG, SJS, SCR, BCI, DIG… bị bán tháo.
Sau bất động sản, đến lượt cổ phiếu ngân hàng. Bất chấp hiệu quả kinh doanh và sự tăng trưởng lợi nhuận tương đối tốt so với năm ngoái, cổ phiếu STG, VCB, STB luôn đối mặt với nguồn cung bán ra mạnh nhiều phiên. Nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt các quỹ ETFs, là người bán ròng bền bỉ, nhẫn nại hai loại cổ phiếu nói trên.
Vì sao họ bán?
Những năm trước, có nhiều thời điểm nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng cổ phiếu, nhưng khi đó có thể nhận ra chiến lược “bán rẻ để mua lại rẻ hơn”. Vì vậy, khi thị trường phục hồi, lực cầu của khối ngoại đã tạo điều kiện cho VN-Index có những bước nhảy về phía 600 điểm. Nay thì không, họ bán và bán luôn, hầu như không có dấu hiệu nào chứng tỏ họ sẽ trở lại. Trong các báo cáo dành cho nhà đầu tư ở bên ngoài Việt Nam, một số tổ chức tài chính nhận định chứng khoán Việt Nam chưa đến đáy. Hai điểm nhấn được họ liệt kê để chứng tỏ đáy chưa thể gần là sự ổn định của giá trị đồng nội tệ sẽ còn chịu nhiều thử thách và lạm phát trong năm tới chưa thể rơi về mức một con số.
Bên cạnh đó, phần lớn các quỹ ngoại đang chịu sức ép đóng quỹ vào năm sau. Có rất ít khả năng các nhà đầu tư gia hạn cho các quỹ hoạt động. Thống kê chưa đầy đủ chỉ ra số tiền mà các quỹ ngoại phải thoái vốn năm 2012 lên tới 25.000 tỉ đồng. Đây là dựa vào giá trị tài sản ròng NAV mà các quỹ đang nắm giữ, chứ không dựa trên số vốn đầu tư ban đầu. Phần lớn các quỹ đều giải ngân vào hai năm 2006-2007. So với mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại, NAV của họ chỉ còn bằng một nửa, thậm chí một phần ba giá trị đầu tư ban đầu. Chẳng hạn một trong những quỹ lớn hiện nay là DWS Vietnam Fund có NAV 198 triệu đô la Mỹ vào ngày 30-11-2011 so với vốn đầu tư ban đầu 500 triệu đô la Mỹ cách đây năm năm (nguồn: Edmond de Rothschils Securities Limited).
Để có thể thoái hết số vốn trên, cần có sự chuẩn bị. Một số quỹ đã bắt đầu bán ra danh mục từ đầu năm nay. Trong 12 tháng qua, VN-Index giảm 18,6% - mức giảm không lớn nhờ sự neo giá hoặc tăng giá của những cổ phiếu có vốn hóa lớn như MSN, BVH, VIC, VPL, nhưng nhiều cổ phiếu blue-chips đã mất giá 50-70%. Hnx cùng thời gian giảm 44,2%. Điều đáng nói là thanh khoản cả hai sàn chỉ còn bằng một phần tư so với cùng kỳ năm ngoái. Có ngày giá trị khớp lệnh của sàn TPHCM chừng 10-15 triệu đô la Mỹ. Thanh khoản như thế sẽ khiến quá trình thoái vốn của khối ngoại kéo dài lê thê và mệt mỏi.

Trong khi đó dòng vốn gián tiếp nước ngoài chảy vào chứng khoán Việt Nam gần như dừng hẳn. Không kể lượng vốn đầu tư có chủ định lâu dài vào một số trường hợp đặc biệt như mua cổ phần của Masan Comsumer, Vinamilk (khi 3% room nước ngoài còn lại được lấp đầy), hay các đợt phát hành trái phiếu quốc tế của HAG, các quỹ không huy động thêm được đồng vốn nào trong hai năm qua. Mới đây VinaCapital hoặc Dragon Capital công bố khả năng có thể gọi thêm khoảng 100-150 triệu đô la Mỹ cho quỹ tư nhân (private equity), nhưng có hai điểm cần chú ý. Thứ nhất, đó mới chỉ là khả năng giả định. Từ nay đến khi các quỹ có tiền trong tay là khoảng thời gian 6-12 tháng. Thứ hai các quỹ này nhiều khả năng giải ngân vào thị trường cận biên đang lên là Lào, Campuchia, nơi sàn chứng khoán vừa mở hoặc sắp mở với những quy định rất thông thoáng cho giới đầu tư ngoại.
Tái cơ cấu và dấu hỏi thời gian
Trong ba tuần ở Mỹ, tiếp xúc với hàng loạt quỹ đầu tư tại đây, tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho biết ông không nhận được một sự hứa hẹn nào đầu tư vào Việt Nam năm tới. Ông buồn rầu nói: “Có quỹ họ nói thẳng có thể câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam đang kết thúc nếu cách điều hành nền kinh tế chậm thay đổi”.
Thực ra giới đầu tư ngoại hiểu rất rõ xu hướng tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam và họ cũng biết rằng tái cơ cấu mới chỉ bắt đầu, còn con đường dài phía trước phải đi. Lạm phát rồi sẽ giảm (về một con số), tiền tệ sẽ được nới lỏng, tỷ giá sẽ ổn định, song câu hỏi là bao giờ? Hai, ba năm nữa hay lâu hơn? Trong thời gian chờ đợi, chứng khoán hẳn không có cơ hội để đi lên ngay lập tức. Vậy thì có nên rót vốn vào VN-Index bây giờ hay chờ đến khi chứng khoán phục hồi?
Rất có thể chờ đợi là lựa chọn khả thi thời điểm này!
Thay bằng giải ngân, tiền ngoại đang được rút ra khỏi chứng khoán niêm yết. Nhưng tiền ngoại cũng tỏ ra khôn khéo khi chọn đường chảy vào những doanh nghiệp ăn nên làm ra, có nền tảng quản trị lành mạnh. Tập đoàn Masan vẫn có thể phát hành thêm 100-200 triệu đô la Mỹ cổ phiếu cho nước ngoài (và chuẩn bị phát hành vào đầu năm 2012). Tập đoàn tài chính số một Nhật Bản Mizohu đổ 500 triệu đô la Mỹ mua cổ phần Vietcombank. Một tập đoàn nổi tiếng của Pháp vừa đặt vấn đề mua cổ phần của Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ, nhưng Chủ tịch Hội đồng quản trị Cao Thị Ngọc Dung cho biết PNJ không thiếu vốn và không muốn “đốt cháy” giai đoạn, phát triển quá nhanh. Khả năng vẫn bỏ ngỏ cho đến khi PNJ đưa nhà máy mới đầu tư vào hoạt động. Hoàng Anh Gia Lai đang tính đến khả năng phát hành cổ phiếu công ty cao su (công ty con của HAG) cho nước ngoài. HAG, theo lời Tổng giám đốc Đoàn Nguyên Đức, sẽ rút khỏi lĩnh vực bất động sản sau ba năm nữa.
Cổ phiếu ở Việt Nam đang rất rẻ so với chính bản thân nó cách đây 4-5 năm và so với giá trị những doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Tuy nhiên giá không phải là tất cả. Quan trọng là đồng tiền đầu tư phải mang lại lợi nhuận, mà thị trường chứng khoán lúc này giống như “cái thùng không đáy”, giá vẫn đang rớt. Vốn gián tiếp nước ngoài, do đó, khó mà neo đậu.
Hải Lý
TBKTSG

 

Làm việc tại Google còn “sướng” hơn đi chơi

Google luôn thiết kế không gian làm việc thoải mái, tiện nghi, tạo điều kiện cho nhân viên hăng say và thỏa sức sáng tạo.

Khi ghé thăm trụ sở Google tại thành phố Luân-Đôn (nước Anh), bạn sẽ cảm thấy choáng ngợp trước phong cách “làm việc sướng hơn đi chơi”. Khu văn phòng sở hữu nhiều công cụ giải trí hấp dẫn như đồ chơi, căng tin luôn sẵn sàng đồ ăn miễn phí, công viên, hộp đêm, phòng ngủ ấm áp, máy chơi game console đời mới, tivi màn hình rộng, nội thất nhiều màu sắc… Đặc biệt, bạn có thể đến với phòng thí nghiệm cà phê, nơi cung cấp 19 loại cà phê khác nhau (5 loại được sản xuất riêng cho Google).
 
Với 350 nhân viên hiện nay, văn phòng Google tại Luân-Đôn dự kiến mở rộng quy mô lên gấp 3, thu hút tài năng cho những dự án đầy tham vọng. Một môi trường làm việc tốt luôn rất quan trọng, khiến người ta chẳng muốn rời xa “ngôi nhà thứ 2” này.
 
 
Lối vào khu công viên Google.
 
Những căn phòng ấn tượng.

Bàn ghế kiểu cách.

Đầy đủ thiết bị cho nhân viên vui chơi.

Nơi pha chế cà phê.
 




 


Những tấm bảng trắng cho nhân viên ghi lại ý tưởng.



Phòng họp hiện đại

Khu hoạt động chung.

Làm việc còn "sướng" hơn đi chơi.

Căng tin luôn đầy ắp đồ ăn miễn phí.

Khán phòng lớn.

Khu hành lang.

Mỗi góc là một phong cách khác nhau.

Bạn có muốn thi đỗ vào Google không?
 
Đặc sắc không kém là khu trụ sở của gã khổng lồ tìm kiếm tại nước Nga. Văn phòng cũng tích hợp mọi chức năng từ làm việc, nghiên cứu, họp hành cho đến vui chơi giải trí. Chắc hẳn nhân viên Google luôn cảm thấy hạnh phúc khi được sinh hoạt trong một khu vực đầy tính sáng tạo và hiện đại như vậy.
 
Trụ sở Google tại nước Nga.
 
Chẳng khác một quán cà phê thứ thiệt.

Nội thất ấm cúng.

Văn phòng mang đặc trưng của nước Nga.

Căn phòng nhỏ xinh.

Không gian mở và tràn ngập ánh sáng.


Khuôn viên tạo cảm giác dễ chịu.

Bàn ghế êm ái.

Nơi giải trí cho nhân viên.



Nơi nghiên cứu .

Phòng làm việc nhiều màu sắc.



Khu vệ sinh.

Phòng âm nhạc.

Bên ngoài hành lang.

Nơi hội họp.

Theo PLXH

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Grant Thornton: Tư nhân hết lạc quan về kinh tế Việt Nam


Nếu như quí 2 năm nay, 53% các nhà đầu tư tư nhân được hỏi đều có cái nhìn tích cực về nền kinh tế Việt Nam, thì nay niềm tin đó đã sụt giảm. Số người có quan điểm tiêu cực theo đó cũng tăng mạnh.

Các nhà đầu tư sụt giảm niềm tin về nền kinh tế Việt Nam.
Đây là kết quả vừa được Grant Thornton Việt Nam, công ty chuyên về kiểm toán và tư vấn doanh nghiệp đưa ra hôm 28-11 dựa trên cuộc khảo sát lần thứ 6 về quan điểm và triển vọng của lĩnh vực đầu tư tư nhân (Private Equity) tại Việt Nam. Các nhà đầu tư đã bày tỏ sự sụt giảm niềm tin đáng kể vào nền kinh tế Việt Nam và trở nên thận trọng hơn rất nhiều với sáu tháng trước đây khi nền kinh tế đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sụt giảm tốc độ tăng trưởng GDP và chỉ số tiêu dùng (CPI) gia tăng.
Có 84% nhà đầu tư được hỏi đã nhân định kinh tế vĩ mô yếu kém là yếu tố quan trọng nhất gây trở ngại cho việc đầu tư vào Việt Nam của họ.
Nhìn nhận về triển vọng nền kinh tế Việt Nam trong 12 tháng tiếp theo, 51% nhà đầu tư tham gia cuộc khảo sát đã bộc lộ quan điểm bi quan, tăng đến 30 điểm phần trăm so với quý trước. Tỷ lệ của quan điểm tích cực theo đó cũng đã giảm sút từ 53% trong quí 2-2011 xuống còn 17%.
Từ đó, điều dễ hiểu là mức độ hấp dẫn đầu tư vào Việt Nam đã sụt giảm đến con số thấp nhất so với 5 cuộc khảo sát trước đó, từ 54% trong lần khảo sát gần nhất xuống 38% trong lần này. Bên cạnh đó cũng có đến 41% ý kiến phản hồi cho rằng Việt Nam hiện trở nên kém hấp dẫn hơn hoặc không hấp dẫn đầu tư.
Hiện chỉ có 29% nhà đầu tư có kế hoạch gia tăng đầu tư vào Việt Nam, bằng gần một nửa so với tỷ lệ 53% của cuộc khảo sát lần trước. Số nhà đầu tư có động thái “chờ đợi và quan sát", tức không có thay đổi gì cũng như giảm đầu tư cũng tăng lên, lần lượt là 43% và 27%, đều cao hơn rất nhiều so với quí 2-2011. Tỷ lệ này trước đó là 28% và 19%.
43% nhà đầu tư được hỏi cho biết sẽ "chờ đợi và quan sát" trong 12 tháng tiếp theo
Ông Bill Hutchison, Giám đốc dịch vụ tư vấn của Grant Thornton nhận định: “Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp gần một nửa GDP tại Việt Nam trong năm 2010. Do vậy không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư cho rằng khu vực này là nguồn cung quan trọng nhất của các thương vụ đầu tư. Tuy nhiên, triển vọng kinh doanh ảm đạm cùng với sự suy giảm về niềm tin đã khiến cho các nhà đầu tư chọn cách chờ đợi vào thời điểm này".
Tuy nhiên, điều bất ngờ của kết quả cuộc khảo sát là lĩnh vực bất động sản trong một số cuộc khảo sát gần đây bị đánh giá không hấp dẫn đã vượt qua giáo dục, bán lẻ vươn lên là ngành hấp dẫn đầu tư nhất trong quí này, từ 12% lên 44%. Nhưng tỷ lệ đánh giá bất động sản là ngành kém hấp dẫn nhất cũng đạt mức xấp xỉ. Kết quả này phần nào cho thấy câu chuyện lãi suất cao và sự gia tăng tài sản xấu vẫn là nỗi “ám ảnh” của nhiều nhà đầu tư.
Bất động sản là lĩnh vực mà số các nhà đầu tư để ý chỉ nhiều hơn số các nhà đầu tư sợ chút ít
Cuộc khảo sát lần này cũng cho thấy, tham nhũng, quan liêu tiếp tục là những yếu tố gây trở ngại cho việc đầu tư. Tuy nhiên, so với lần khảo sát trước, số người chọn câu trả lời này đều tăng mạnh, từ 31% tăng lần lượt lền 47% và 40%. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, hệ thống luật pháp cũng vẫn nổi lên là những rào cản cho việc đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư.
Grant Thornton nhận định trong báo cáo: "Cùng với tham nhũng, quan liêu của chính phủ và cơ sở hạ tầng thì hệ thống luật pháp được đánh giá là một trong bốn trở ngại hàng đầu kể từ cuộc khảo sát đầu tiên của chúng tôi. Tuy nhiên, dường như vẫn chưa có bất kỳ sự cải thiện nào theo quan điểm của các nhà đầu tư vì tỷ lệ các nhà đầu tư xem xét các nhân tố này như là những rào cản đối với sự đầu tư của họ đều liên tục gia tăng qua các lần khảo sát".
Các nhà đầu tư đang cân nhắc sẽ đầu tư thêm vào các thị trường mới. Nổi lên là Indonesia với 40% người được hỏi chọn, 20% chọn Campuchia và 15% nhà đầu tư chọn Lào.
Cuộc khảo sát cho kết quả kể trên được Grant Thornton Việt Nam, một thành viên độc lập của Grant Thornton International, thực hiện vào tháng 10 vừa qua. Tham gia cuộc khảo sát là những người ra quyết định đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam hoặc những nhà đầu tư có danh mục đầu tư tập trung vào Việt Nam.
Trong đó, phân nửa trong số này đến từ các quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ, 1/3 đến từ các công ty tư vấn, công ty luật. Số còn lại từ các công ty chứng khoán và là nhà đầu tư định chế.
Minh Tâm
TBKTSG