Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Grant Thornton: Tư nhân hết lạc quan về kinh tế Việt Nam


Nếu như quí 2 năm nay, 53% các nhà đầu tư tư nhân được hỏi đều có cái nhìn tích cực về nền kinh tế Việt Nam, thì nay niềm tin đó đã sụt giảm. Số người có quan điểm tiêu cực theo đó cũng tăng mạnh.

Các nhà đầu tư sụt giảm niềm tin về nền kinh tế Việt Nam.
Đây là kết quả vừa được Grant Thornton Việt Nam, công ty chuyên về kiểm toán và tư vấn doanh nghiệp đưa ra hôm 28-11 dựa trên cuộc khảo sát lần thứ 6 về quan điểm và triển vọng của lĩnh vực đầu tư tư nhân (Private Equity) tại Việt Nam. Các nhà đầu tư đã bày tỏ sự sụt giảm niềm tin đáng kể vào nền kinh tế Việt Nam và trở nên thận trọng hơn rất nhiều với sáu tháng trước đây khi nền kinh tế đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sụt giảm tốc độ tăng trưởng GDP và chỉ số tiêu dùng (CPI) gia tăng.
Có 84% nhà đầu tư được hỏi đã nhân định kinh tế vĩ mô yếu kém là yếu tố quan trọng nhất gây trở ngại cho việc đầu tư vào Việt Nam của họ.
Nhìn nhận về triển vọng nền kinh tế Việt Nam trong 12 tháng tiếp theo, 51% nhà đầu tư tham gia cuộc khảo sát đã bộc lộ quan điểm bi quan, tăng đến 30 điểm phần trăm so với quý trước. Tỷ lệ của quan điểm tích cực theo đó cũng đã giảm sút từ 53% trong quí 2-2011 xuống còn 17%.
Từ đó, điều dễ hiểu là mức độ hấp dẫn đầu tư vào Việt Nam đã sụt giảm đến con số thấp nhất so với 5 cuộc khảo sát trước đó, từ 54% trong lần khảo sát gần nhất xuống 38% trong lần này. Bên cạnh đó cũng có đến 41% ý kiến phản hồi cho rằng Việt Nam hiện trở nên kém hấp dẫn hơn hoặc không hấp dẫn đầu tư.
Hiện chỉ có 29% nhà đầu tư có kế hoạch gia tăng đầu tư vào Việt Nam, bằng gần một nửa so với tỷ lệ 53% của cuộc khảo sát lần trước. Số nhà đầu tư có động thái “chờ đợi và quan sát", tức không có thay đổi gì cũng như giảm đầu tư cũng tăng lên, lần lượt là 43% và 27%, đều cao hơn rất nhiều so với quí 2-2011. Tỷ lệ này trước đó là 28% và 19%.
43% nhà đầu tư được hỏi cho biết sẽ "chờ đợi và quan sát" trong 12 tháng tiếp theo
Ông Bill Hutchison, Giám đốc dịch vụ tư vấn của Grant Thornton nhận định: “Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp gần một nửa GDP tại Việt Nam trong năm 2010. Do vậy không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư cho rằng khu vực này là nguồn cung quan trọng nhất của các thương vụ đầu tư. Tuy nhiên, triển vọng kinh doanh ảm đạm cùng với sự suy giảm về niềm tin đã khiến cho các nhà đầu tư chọn cách chờ đợi vào thời điểm này".
Tuy nhiên, điều bất ngờ của kết quả cuộc khảo sát là lĩnh vực bất động sản trong một số cuộc khảo sát gần đây bị đánh giá không hấp dẫn đã vượt qua giáo dục, bán lẻ vươn lên là ngành hấp dẫn đầu tư nhất trong quí này, từ 12% lên 44%. Nhưng tỷ lệ đánh giá bất động sản là ngành kém hấp dẫn nhất cũng đạt mức xấp xỉ. Kết quả này phần nào cho thấy câu chuyện lãi suất cao và sự gia tăng tài sản xấu vẫn là nỗi “ám ảnh” của nhiều nhà đầu tư.
Bất động sản là lĩnh vực mà số các nhà đầu tư để ý chỉ nhiều hơn số các nhà đầu tư sợ chút ít
Cuộc khảo sát lần này cũng cho thấy, tham nhũng, quan liêu tiếp tục là những yếu tố gây trở ngại cho việc đầu tư. Tuy nhiên, so với lần khảo sát trước, số người chọn câu trả lời này đều tăng mạnh, từ 31% tăng lần lượt lền 47% và 40%. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, hệ thống luật pháp cũng vẫn nổi lên là những rào cản cho việc đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư.
Grant Thornton nhận định trong báo cáo: "Cùng với tham nhũng, quan liêu của chính phủ và cơ sở hạ tầng thì hệ thống luật pháp được đánh giá là một trong bốn trở ngại hàng đầu kể từ cuộc khảo sát đầu tiên của chúng tôi. Tuy nhiên, dường như vẫn chưa có bất kỳ sự cải thiện nào theo quan điểm của các nhà đầu tư vì tỷ lệ các nhà đầu tư xem xét các nhân tố này như là những rào cản đối với sự đầu tư của họ đều liên tục gia tăng qua các lần khảo sát".
Các nhà đầu tư đang cân nhắc sẽ đầu tư thêm vào các thị trường mới. Nổi lên là Indonesia với 40% người được hỏi chọn, 20% chọn Campuchia và 15% nhà đầu tư chọn Lào.
Cuộc khảo sát cho kết quả kể trên được Grant Thornton Việt Nam, một thành viên độc lập của Grant Thornton International, thực hiện vào tháng 10 vừa qua. Tham gia cuộc khảo sát là những người ra quyết định đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam hoặc những nhà đầu tư có danh mục đầu tư tập trung vào Việt Nam.
Trong đó, phân nửa trong số này đến từ các quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ, 1/3 đến từ các công ty tư vấn, công ty luật. Số còn lại từ các công ty chứng khoán và là nhà đầu tư định chế.
Minh Tâm
TBKTSG

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét