Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Quản lý dòng tiền đầu tư: Phương pháp nào hiệu quả trong năm 2012?


(Vietstock) – Ngay cả khi lựa chọn đúng thời điểm ra vào thị trường, nếu như không quản trị dòng tiền đầu tư một cách hợp lý thì vẫn có thể bị thua lỗ.

Thắng trăm trận, thua một trận vẫn cháy túi!
Câu nói ”Một cổ phiếu tốt chưa chắc đã là một khoản đầu tư tốt” cho thấy việc lựa chọn thời điểm quan trọng như thế nào trong đầu tư.
Tuy nhiên, ngay cả khi lựa chọn đúng thời điểm ra vào thị trường, nếu như không quản trị dòng tiền đầu tư một cách hợp lý thì vẫn có thể bị thua lỗ.
Vì vậy mới có câu chuyện bi hài là có nhà đầu tư thắng liên tiếp nhiều phi vụ trong suốt giai đoạn 2009 – 2010, nhưng chỉ cần ”sẩy chân” vào khoảng 4 tháng cuối năm 2011 là mất trắng toàn bộ số lợi nhuận có được.
Điều này cũng góp phần giải thích tại sao một nhà đầu tư có tỷ lệ trading thành công 80% chưa chắc đã kiếm được nhiều lợi nhuận hơn một nhà đầu tư chỉ có tỷ lệ thành công 20%.
Vì vậy, bên cạnh việc nắm bắt xu thế thị trường, giới phân tích đầu tư cũng rất quan tâm đến việc quản trị dòng tiền nhằm tối đa hóa giá trị đầu tư và hạn chế rủi ro.
Phương pháp quản lý dòng tiền nào hiệu quả?
Thiết lập một chiến lược tổng thể phù hợp cho mọi giới đầu tư là không thể. Ở đây chúng tôi chỉ xin đề cập đến phương pháp quản trị dòng tiền và trading được tin là sẽ có hiệu quả trong một giai đoạn biến động phức tạp và bất ngờ như năm 2012.
Chiến thuật 4 – 4 – 2 và các biến thể
Đây không phải là mô hình chiến thuật trong bóng đá mà là chiến thuật giải ngân từng phần trên thị trường chứng khoán.
Chiến thuật này đặc biệt phát huy hiệu quả trong những giai đoạn thị trường giá xuống mạnh, kéo dài và khó xác định đáy dài hạn.
Với chiến thuật 4 – 4 – 2, nhà đầu tư sẽ giải ngân khoảng 40% cho lần mua đầu tiên. Lần mua đầu tiên thường là dạng mua bắt đáy (bottom-fishing). Đây có thể coi là điểm mấu chốt của chiến thuật này, bởi vì nếu như bắt đáy lần đầu thất bại thì sẽ không có thêm việc giải ngân tiếp theo mà sẽ là hành động cắt lỗ.
Chiến thuật này sẽ giúp cho mức độ thua lỗ được hạn chế tối đa nếu như bắt đáy thất bại. Giả sử chúng ta bắt đáy thất bại 3 lần liên tiếp và mỗi lần thua lỗ khoảng 15% thì mức thua lỗ tính nhanh của cả 3 lần là 3x40%x15% = 18% danh mục. Chỉ cần một lần bắt đáy thành công tiếp theo và áp dụng chiến lược bình quân giá lên thì mức độ thua lỗ này có thể được bù đắp.
Điều này đặc biệt phát huy tác dụng trong những đợt suy giảm kéo dài và không xác định được đáy của thị trường như hiện nay. Tùy thuộc vào khả năng chấp nhận rủi ro của mỗi người mà có thể chuyển thành chiến thuật 4 – 3 – 3 hoặc 5 – 3 – 2.
Ngoài ra, cũng có thể chẻ nhỏ tỷ lệ ra trong mỗi giai đoạn giải ngân tuỳ thuộc vào diễn biến từng phiên trong giai đoạn.
Điểm rơi của chiến thuật Bình quân giá lên tuỳ thuộc vào dạng tín hiệu
Như trình bày ở trên, rõ ràng chúng ta thấy có 3 điểm rơi cần chú ý: điểm bắt đáy (bottom-fishing), điểm mua đuổi theo giá và điểm mua cuối cùng.
Đầu tiên là điểm bắt đáy (bottom-fishing) để giải ngân 40% vốn đầu tiên. Tín hiệu dùng để phát hiện ra điểm này khá đa dạng nhưng nhìn chung đều thuộc dạng tín hiệu cảnh báo (warning).
Có thể chia ra hai trường hợp.
Nếu giá đang ở trong trạng thái trung gian và không ở gần ngưỡng hỗ trợ mạnh nào về mặt kỹ thuật thì thông thường giới phân tích kỹ thuật sẽ dùng hiện tượng phân kỳ giá lên (bullish divergence) để bắt đáy.
Còn nếu giá sắp chạm vào vùng chống đỡ mạnh (vùng đáy cũ, trendline trung dài hạn...) thì chỉ cần đợi khi giá test vùng này để giải ngân.
Đối với điểm mua đuổi theo đà tăng của giá cho 30% - 40% còn lại, thông thường sẽ chờ đến khi có những breakpoint quan trọng giữa giá với nhóm MA ngắn hạn xuất hiện. Điều quan trọng là phải chờ đến khi những tín hiệu mua (buy signal) thực sự xuất hiện, chứ không nên mua trước, để phòng ngừa rủi ro.
Cuối cùng, nếu như hai lần giải ngân đầu tiên đã bắt đầu có lời và thị trường chưa có dấu hiệu tạo đỉnh thì việc giải ngân thêm 20% - 30% cuối cùng có vẻ khá dễ dàng.
Nói chung, sự thành bại chủ yếu được quyết định trong lần giải ngân đầu tiên đối với chiến lược bắt đáy và bình quân giá lên này.
Nguyễn Quang Minh, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét